(HQ Online)- Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc mở cửa thị trường hàng hóa, XNK ngày càng tăng chính là điều kiện tiền đề cho việc mở rộng nhu cầu vận chuyển, cung ứng, kho bãi… khiến các dịch vụ logistics phát triển mạnh. Như vậy, lĩnh vực logistics sẽ được hưởng lợi ngay lập tức khi TPP có hiệu lực.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, thị trường logistics tại Việt Nam có tiềm năng phát triển rất tốt. Hệ thống vận tải và logistics thương mại ngày càng cạnh tranh của Việt Nam có thể trở thành nhân tố mới thúc đẩy nền kinh tế quốc gia tăng trưởng bền vững, nâng cao năng suất lao động cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiện nay, các công ty nước ngoài vẫn đang chiếm lĩnh thị trường logistics Việt Nam, đặc biệt là trong phân khúc vận tải quốc tế. Có khoảng 40 công ty vận tải biển nước ngoài tại Việt Nam, xử lý hơn 80% lượng hàng NK và XK của cả nước, chủ yếu trao đổi thương mại với thị trường Mỹ và châu Âu.
Là một trong công ty hàng đầu về dịch vụ logistics, ông Nguyễn Năng Toàn, Giám đốc SNP Logistics thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, TPP đã kết thúc đàm phán, khi chính thức có hiệu lực, XNK của Việt Nam sẽ tăng cao. Như vậy, các công ty logistics Việt Nam có thêm nhiều công ăn việc làm, có nhiều lượng hàng để XNK hơn, nhờ có lượng hàng tăng lên thì giá thành vận tải giảm hơn, đó là điều tốt cho lĩnh vực logistics, đồng thời kích thích sự phát triển của doanh nghiệp XNK Việt Nam.
Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng, TPP cũng sẽ là cơ hội vàng để các doanh nghiệp logistics Việt Nam tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực, nâng cao chất lượng dịch vụ. Phần thủ tục hải quan khai thác phải chuyên nghiệp hơn, có hệ thống khai báo tốt hơn, cung cấp dịch vụ kho bãi cũng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế thay vì kho bãi kém như hiện nay, việc vận chuyển phải đúng giờ hơn. Tất cả các chuỗi cung ứng của cho khách hàng phải đạt tiêu chuẩn tốt hơn.
Hiện nay, chi phí cho hoạt động logistics tại Việt Nam đang chiếm đến 25% GDP, trong khi tại các nước phát triển tỷ lệ này chỉ từ 10-13%. Do vậy, việc tham gia vào TPP sẽ giúp giảm chi phí logistics, góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của một quốc gia.
Hiện đại, chuyên nghiệp
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện có hơn 1.300 công ty logistics đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù số lượng các doanh nghiệp nội địa chiếm 80% tổng số doanh nghiệp logistics, song họ chỉ chiếm lĩnh khoảng hơn 20% tổng thị phần. Chính vì thế sự hợp tác giữa các quốc gia sẽ mang lại lợi ích cho thị trường logistics của Việt Nam trong việc chia sẻ kiến thức về thị trường, thiết lập mạng lưới kinh doanh cũng như giúp các nhà cung ứng dịch vụ nội địa phát triển nhằm quản lý những hoạt động logistics chuyên ngành như thủ tục hải quan…
Tham gia vào TPP đòi hỏi tính chuyên nghiệp, hiện đại trong dịch vụ logistics. Để đón đầu cơ hội, nhiều DN đã đầu tư kho bãi, máy móc hiện đại. Tháng 8 vừa qua, Công ty Cổ phần Transimex – Saigon đã khởi công xây dựng Kho ngoại quan và Trung tâm logistics tại khu công nghệ cao TP.HCM trên tổng diện tích hơn 10 hecta, với mức đầu tư 600 tỷ đồng và sẽ hoàn thành vào tháng 3-2016. Trung tâm logistics tại khu công nghệ cao bao gồm hệ thống Kho ngoại quan, Kho bảo thuế, Kho CFS (container-freight station), Kho thường, Kho lạnh, và bãi chứa container với chức năng hoạt động như là một điểm thông quan nội địa ICD. Kho được trang bị hệ thống khung kệ chứa hàng bảy tầng, có camera giám sát 24/7, phần mềm quản lý hiện đại, hệ thống phòng cháy chữa cháy đạt tiêu chuẩn để có thể lưu giữ các sản phẩm công nghệ cao theo nhu cầu của khách hàng.
Với vị trí nằm gần đường vành đai 2, TP.HCM kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và các cảng chính của TP.HCM, Trung tâm này sẽ tập trung phát triển dịch vụ logistics tích hợp trọn gói và đồng bộ các phương thức vận chuyển từ đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Việc đầu tư Trung tâm logistics tại khu công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu kịp thời của thị trường, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu chiến lược kinh doanh và tầm nhìn từ nay đến năm 2020 của Transimex -Saigon nhằm trở thành một tập đoàn logistics đa năng và chuyên nghiệp.
Tiếp đó, TBS Logistics đầu tư kho có diện tích 47.500m2, với các trang thiết bị tiêu chuẩn, hiện đại như: Camera, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động; tôn lấy sáng, tiết kiệm năng lượng; phần mềm quản lý kho CFS. Được thiết kế với 58 cửa nhập/xuất hàng và 174 container cùng một lúc, sản lượng bình quân 8.000 khối/ngày – tương đương 160 container. Kho 5 là kho hàng hóa nằm trong hệ thống của TBS Logistics, tọa lạc tại địa chỉ số 09, đường DT 743, phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Hiện tại kho của TBS Logistics là nhà kho hiện đại với các thiết bị xếp dỡ, quản lý lưu trữ, an ninh hàng hóa, dịch vụ khai thuê hải quan, đóng gói, nhãn mác… với mong muốn trở thành trung tâm trọng điểm logistics đáng tin cậy tại Việt Nam và là đối tác logistics chiến lược của khách hàng trong nước và quốc tế. TBS Logistics hy vọng đóng góp vào sự phát triển chung của hệ thống logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – nơi mà lượng hàng container XNK đến 80% của cả nước.
Đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sẽ tạo tiền đề cho dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ, chuyên nghiệp.